Tiền thưởng quần vợt nam và nữ, giấc mơ bình đẳng giới

Phát ngôn của Novak Djokovic gây phật ý tới những đồng nghiệp nữ, nhưng thực tế không phải là không có lý.
Novak Djokovic đã nói các tay vợt nam xứng đáng được nhận nhiều tiền thưởng hơn các tay vợt nữ vì các trận đấu của nam thu hút nhiều khán giả hơn. Toàn bộ thế giới quần vợt nữ đã vô cùng tức giận với nhận định của tay vợt nam số 1 thế giới. Nhưng nếu nhìn vào những thống kê, có lẽ các cô gái sẽ cảm thấy họ đang nhận được nhiều hơn, dù kiếm về ít tiền hơn.

Trong cả năm 2015, tổng số khán giả tới sân theo dõi trực tiếp và qua truyền hình các tay vợt nam thi đấu là 975 triệu người, hơn hẳn con số 395 triệu người xem quần vợt nữ. Và cứ nhìn vào con số ấy, dễ hiểu vì sao các kênh truyền thông sẵn sàng bỏ ra hơn 1,3 tỷ USD trong vòng 10 năm để mua bản quyền các trận đấu ATP. Còn WTA chỉ kiếm được bản hợp đồng gần 526 triệu USD cũng trong từng ấy thời gian. Trong buổi họp báo sau khi đánh bại Milos Raonic để lần thứ 5 vô địch giải BNP Paribas Open tại Indian Wells, Djokovic đã “hồn nhiên” trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyện tiền thưởng. Nole không biết rằng câu nói ấy đã thổi bùng lên cuộc chiến bất bình đẳng giới vẫn âm ỉ trong thể thao nói chung và tennis nói riêng.



Dù vậy, nhìn vào bảng thống kê tiền thưởng của Top 10 ATP và WTA trong năm 2015 (như biểu đồ) có thể thấy sự phân hóa chỉ rõ rệt ở những vị trí dẫn đầu. Còn từ Top 5 trở xuống, số tiền thưởng là tương đương. Hai tay vợt ở vị trí thứ 6 của quần vợt nam và nữ sau khi mùa giải 2015 khép lại là Tomas Berdych và Petra Kvitova. Hai tay vợt cùng của Cộng hòa Czech kiếm được lần lượt 3,76 triệu USD và 3,89 triệu USD. Còn ở vị trí thứ 10, của Jo-Wilfried Tsonga và Angelique Kerber, số tiền thưởng gần như ngang bằng, 2,21 triệu USD và 2,2 triệu USD.

Djokovic kiếm 21,65 triệu USD tiền thưởng trong mùa giải Nole có 3 Grand Slam, nghĩa là hơn hẳn 10,58 triệu USD của Serena Williams, tay vợt cùng giành 3 Grand Slam trong một năm. Nhưng sở dĩ như vậy vì tay vợt người Serbia tiến sâu vào hàng loạt những giải đấu khác, trong đó có kỷ lục 6 Masters 1000. Trong khi đó, tổng tiền thưởng của 9 giải Masters 1000 cũng chỉ là 11,7 triệu USD, không quá lớn so với 9,4 triệu USD 4 giải Premier Mandatory và 5 giải Premier Five (tương đương như Masters 1000) của các tay vợt nữ.

Từ năm 2007, cả 4 giải Grand Slam đều chia tiền thưởng nam và nữ là ngang nhau dù lượng vé xem trực tiếp các trận đấu của các tay vợt nữ thấp hơn nhiều so với các tay vợt nam. Nhưng chưa bao giờ cả hai phái đạt được sự đồng thuận về vấn đề muôn thuở là tài chính. Vì thế, giấc mơ bình đẳng giới vẫn chỉ là giấc mơ khó trở thành hiện thực. Bản quyền các trận đấu ATP trong 10 năm là hơn 1,3 tỷ USD, còn các trận đấu WTA là gần 526 triệu USD. Trong cả năm 2015, tổng số khán giả tới sân theo dõi trực tiếp và qua truyền hình các tay vợt nam thi đấu là 975 triệu người, của nữ là 395 triệu người.